Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan trong cộng đồng, phổ biến ở học sinh vào đầu năm học mới. Nhiều phụ huynh “lùng” mua các loại thuốc đặc trị, tự chữa cho con hoặc mua “thủ sẵn” trong nhà. Vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ cảnh báo, những hành vi sử dụng thuốc tùy tiện không đạt hiệu quả điều trị, thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Bác sĩ khuyến cáo, đừng tự ý sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ, nguy hại cho mắt. Ảnh BV cung cấp.
Gần đây, các loại thuốc gồm Tobrex và Tobradex được lan truyền về hiệu nghiệm trị đau mắt đỏ nên nhiều người đổ xô đi mua. Đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà thuốc còn bán theo combo kết hợp nhiều thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và bổ sung dưỡng chất, nâng cao thị lực.
BS Thạch Sa Mết, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: do virus, vi khuẩn và các tác nhân dị ứng khác.
Theo nhiều nguyên cứu, khoảng 80% nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ là do virus (chủ yếu là Adeno virus và Entero virus). Bệnh thường có các triệu chứng: đỏ mắt, ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn và các triệu chứng siêu vi toàn thân. Bệnh có thể khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách.
Việc chưa xác đinh được nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà tự ý mua thuốc về tự điều trị là không cần thiết.
BS Mết cho biết thêm, đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây, đa số biểu hiện lành tính. Tỷ lệ nhỏ để lại biến chứng nặng như viêm giác mạc, loét giác mạc, mất thị lực. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ đều tự khỏi mà không cần nhờ đến sự can thiệp của các loại thuốc. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
- Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng, ghèn đổi màu vàng, xanh,…) để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Hai loại thuốc nêu trên là kháng sinh, không có tác dụng với bệnh đau mắt đỏ có nguyên nhân do virus. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin,… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ trong trường hợp nghi bội nhiễm. Tốt nhất bệnh nhân nên đi thăm khám tại các cơ sở điều trị về nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.